GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO KHOA ÂM NHẠC 1 BỘ SÁCH CÁNH DIỀU

GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO KHOA ÂM NHẠC 1 BỘ SÁCH CÁNH DIỀU

Sách giáo khoa Âm nhạc 1 (bộ sách Cánh Diều) có đầy đủ những tiêu chuẩn của một cuốn sách giáo khoa tốt, cụ thể là

Cấu trúc tốt

Cấu trúc là bộ khung của cuốn sách, nếu sách có bộ khung cân đối và vững chắc thì giáo viên sẽ dễ sử dụng, học sinh dễ học.

Cuốn sách được biên soạn thời lượng dạy học là 35 tiết, sách gồm 10 chủ đề, mỗi chủ đề được dạy học trong 3 tiết (tổng số là 30 tiết); ngoài ra còn 5 tiết dành cho nội dung tự chọn, ôn tập học kì.

Cấu trúc cân đối của sách được thể hiện qua một số đặc điểm sau:

Mỗi học kì có 5 chủ đề;

Mỗi chủ đề được dạy học trong 3 tiết;

Mỗi chủ đề có 5 nội dung: hát, nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, thường thức âm nhạc và hoạt động trải nghiệm – khám phá (đây là hoạt động mở, giống như các trò chơi âm nhạc).

Số lượng bài hát, nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ trong 10 chủ đề tương đối cân bằng và hài hòa, giúp học sinh thường xuyên được rèn luyện những kĩ năng này.

Các chủ đề được liên kết với nhau thông qua việc hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu được quy định trong Chương trình tổng thể, cùng các nội dung được nâng cao dần về độ khó.

Nội dung hay

Sách vừa có sự kế thừa nội dung sách hiện hành, vừa có sự đổi mới. Sách lựa chọn được những nội dung hay và hấp dẫn, đảm bảo tính hệ thống trong cả cấp tiểu học. Một số nội dung mới đã được thử nghiệm để đảm bảo tính vừa sức, khả thi. Những nội dung và yêu cầu cần đạt trong sách được trình bày súc tích, cô đọng, giúp GV và HS dễ vận dụng.

Nội dung của sách được thể hiện qua một số đặc điểm sau:

Nội dung cuốn sách tập trung vào 10 chủ đề là: Tổ quốc Việt Nam, Thiên nhiên, Tình bạn, Hoà bình, Gia đình, Tuổi thơ, Giữ gìn vệ sinh, Em yêu âm nhạc, Mừng sinh nhật, Loài vật em yêu.

Những bài hát tuổi học sinh được chọn là ca khúc của những nhạc sĩ quen thuộc với thiếu nhi: Lá cờ Việt Nam (Lý Trọng- Đỗ Mạnh Thường), Mời bạn vui múa ca (Phạm Tuyên), Mẹ đi vắng (Trịnh Công Sơn), Thật đáng yêu (Nghiêm Bá Hồng), Đội kèn tí hon (Phan Huỳnh Điểu), Thật là hay (Hoàng Lân).

Những bài dân ca đại diện cho 3 vùng miền: hát Lí cây xanh (Dân ca Nam Bộ), nghe nhạc Quê hương tươi đẹp (Dân ca Nùng), hát Xòe hoa (Dân ca Thái).
Hai bài hát nước ngoài là những giai điệu quen thuộc và phổ biến: Lung linh ngôi sao nhỏ (Nhạc Pháp), Chúc mừng sinh nhật (Nhạc Anh).
Bài nghe nhạc không lời là những bản nhạc nước ngoài rất ngộ nghĩnh, đáng yêu: Chuyến bay của chú ong vàng (Rim-xky Coóc-sa-cốp), Chiếc đồng hồ (An-đơ-sơn), Chú voi con đi bộ (Man-xi-ni).
Bài nghe nhạc có lời là sáng tác của các nhạc sĩ quen thuộc: Quốc ca Việt Nam (Văn Cao), Tìm bạn thân (Việt Anh), Sắp đến Tết rồi (Hoàng Vân), Tập tầm vông (Lê Hữu Lộc), Cộc cách tùng cheng (Phan Trần Bảng).
Hai câu chuyện âm nhạc phù hợp với nhận thức của HS: Tiếng hát Nai Ngọc (Phỏng theo Truyện cổ dân tộc Gia-rai), Tiếng đàn Thạch Sanh (Phỏng theo Truyện dân gian Việt Nam).

Hình thức đẹp

Hình thức của sách được thể hiện qua một số đặc điểm sau:
– Bức tranh chủ đạo về chủ đề và các bài hát được trình bày trên trang đôi.
– Mười chủ đề được trình bày trên 10 màu nền khác nhau.
– Sách chú trọng giảm bớt kênh chữ, tăng cường kênh hình để phù hợp với tâm lí của học sinh lớp 1; phần kênh chữ và kênh hình được trình bày đảm bảo sự hài hòa.
– Các hình vẽ có sự cân bằng về giới tính giữa học sinh nam và học sinh nữ; sử dụng hợp lí hình vẽ học sinh trong trang phục dân tộc.
– Các hình vẽ trong sách vừa để minh họa, vừa hỗ trợ tích cực các hoạt động học tập của học sinh, ví dụ như hình minh họa cách hát hoặc chơi nhạc cụ với tư thế phù hợp.
– Các hình vẽ giúp học sinh tăng cường khả năng tương tác, ví dụ: vận động theo tiếng đàn, tạo ra âm thanh cao – thấp theo sơ đồ, thể hiện nhịp điệu bằng ngôn ngữ, vỗ tay theo cặp,…

Phương pháp dạy học tích cực

– Sách tập trung giúp học sinh phát triển cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc; lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với sở thích và nhận thức của học sinh: nghe nhạc, vận động, chơi các trò chơi, kể chuyện,…; chú trọng các hoạt động thực hành, luyện tập, cảm thụ. Bước đầu giúp học sinh hình thành và phát triển 3 năng lực đặc thù: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc.
– Sách vận dụng một số phương pháp dạy học Âm nhạc phổ biến ở những nước tiên tiến, đó là: đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay, sử dụng nốt nhạc hình tượng, chơi tiết tấu bằng động tác tay, chân (body percussion),…
– Sách thiết kế những bài đọc nhạc từ ít nốt đến nhiều nốt. Đầu tiên là đọc 2 nốt Mi và Son ở quãng 8 thứ nhất (đây là 2 nốt có độ cao trung bình so với giọng của trẻ em 6 – 7 tuổi và 2 nốt này còn tạo thành quãng 3 thứ là quãng thuận, dễ đọc). Tiếp theo là 3 nốt Mi, Son, La, và tiếp nữa là 4 nốt Đô, Mi, Son, La.
– Sách thiết kế những hoạt động trải nghiệm và khám phá âm nhạc tích hợp trong các nội dung học tập, ví dụ: vận động theo tiếng đàn, tiếng trống; hát theo cách riêng của mình; vỗ tay với âm thanh to – nhỏ khác nhau; tạo ra âm thanh cao – thấp theo sơ đồ; thể hiện nhịp điệu bằng ngôn ngữ; vỗ tay theo cặp; tạo ra âm thanh giống tiếng gió; tìm những từ ẩn nấp trong ô chữ,…

Thiết kế theo hướng mở

– Cấu trúc theo chủ đề giúp giáo viên chủ động lựa chọn, phân phối kế hoạch dạy học linh hoạt và phù hợp.
– Giáo viên thực hiện các nội dung và hoạt động dạy học cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, có thể thay đổi trình tự thực hiện các nội dung, ví dụ: cho học sinh nghe nhạc hoặc đọc nhạc để khởi động giờ học; thực hiện những hoạt động trải nghiệm và khám phá vào đầu giờ, giữa giờ hoặc cuối giờ học; có thể điều chỉnh thời lượng dạy học các nội dung cho hiệu quả,…

– Đọc nhạc là nội dung có tính mở, giáo viên được chủ động lựa chọn những bài tập phù hợp với khả năng của học sinh, giáo viên có thể cho học sinh đọc bài tập ngắn (trình bày trong sách) hoặc bài tập dài (đọc thêm những ô nhịp khác) cho linh hoạt và hiệu quả.
– Nhạc cụ cũng là nội dung có tính mở, học sinh có thể chơi tiết tấu bằng một trong số những loại sau: nhạc cụ gõ của Việt Nam, nhạc cụ gõ của nước ngoài, động tác tay, chân (vỗ tay, giậm chân, vỗ tay lên đùi), nhạc cụ phổ biến ở địa phương, nhạc cụ gõ tự làm.
– Mỗi chủ đề có lời nhắc nhở nhằm giáo dục thái độ, tình cảm cho học sinh, giúp các em bước đầu hình thành những phẩm chất cao đẹp. Lời nhắc nhở được thiết kế thông qua lời nói của thầy giáo, cô giáo, lời nói của cha mẹ học sinh hoặc lời nói của chính các em để học sinh cảm nhận về quê hương, đất nước, thiên nhiên, gia đình, bạn bè,… thật gần gũi và thân thương

Hướng dẫn giáo viên cách sử dụng sách

Ngoài sách giáo khoa, còn có sách giáo viên hướng dẫn giáo viên lựa chọn mục tiêu, chuẩn bị phương tiện dạy học và cách thực hiện tất cả bài học.
Mỗi nhà trường có điều kiện dạy học khác nhau, mỗi giáo viên cũng có năng lực âm nhạc khác nhau, do đó giáo viên cần kết hợp sử dụng SGK và SGV, chủ động điều chỉnh về nội dung và phương pháp dạy học cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Sau một thời gian sử dụng sách, những kĩ năng của giáo viên sẽ dần được nâng cao.
LỜI KẾT
Sách giáo khoa Âm nhạc 1 có những ưu điểm chủ yếu: cấu trúc tốt- nội dung hay, hình thức đẹp, phương pháp dạy học tích cực- thiết kế theo hướng mở.
Những điều này nhằm giúp học sinh được học những giờ Âm nhạc thật sinh động, hấp dẫn và bổ ích.

05 Ý NGHĨA XÃ HỘI TO LỚN CỦA BỘ SÁCH GIÁO KHOA LỚP 1 CÁNH DIỀU

24/03/2020

SÁCH GIÁO KHOA CÁNH DIỀU MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI DẠY HỌC SINH LỚP 1 BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHƯ THẾ NÀO TRƯỚC DỊCH VIRUS CORONA ?

24/03/2020