Giới thiệu sách giáo khoa Cánh Diều môn Đạo đức 1

Giới thiệu sách giáo khoa Cánh Diều môn Đạo đức 1

Với mục tiêu “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống’’, các bài học trong bộ sách Cánh Diều luôn lồng ghép nội dung lý thuyết với thực hành, giúp các em không chỉ nắm vững kiến thức mà còn vận dụng hiệu quả vào trong thực tế. Điều này được thể hiện rõ trong sách giáo khoa môn Đạo đức 1.

Môn Đạo đức ở cấp tiểu học (cấp trung học cơ sở là Giáo dục công dân, cấp trung học phổ thông là Giáo dục kinh tế và pháp luật) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân; bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, môn Đạo đức và Giáo dục công dân là môn học bắt buộc.

Sách giáo khoa Đạo đức được biên soạn nhằm giúp học sinh lớp 1 học tập, rèn luyện theo các chuẩn mực xã hội và kĩ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi; góp phần phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

  1. Các chủ đề nội dung

Sách được phân chia thành 8 chủ đề:

– Thực hiện nội quy trường, lớp gồm một bài học: Em với nội quy trường, lớp.

– Sinh hoạt nền nếp gồm hai bài học: Gọn gàng, ngăn nắp; Học tập, sinh hoạt đúng giờ.

– Tự chăm sóc bản thân gồm hai bài học: Sạch sẽ, gọn gàng; Chăm sóc bản thân khi bị ốm.

– Tự giác làm việc của mình gồm một bài học: Em tự giác làm việc của mình.

– Yêu thương gia đình gồm một bài học: Yêu thương gia đình.

– Quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình gồm hai bài học: Em với ông bà, cha mẹ; Em với anh chị em trong gia đình.

– Thật thà gồm hai bài học: Lời nói thật; Trả lại của rơi.

– Phòng, tránh tai nạn, thương tích gồm bốn bài học: Phòng tránh bị ngã; Phòng tránh bị thương do các vật sắc nhọn; Phòng tránh bị bỏng; Phòng tránh bị điện giật.

  1. Cấu trúc bài học

Mỗi bài trong sách đều được thiết kế theo một cấu trúc thống nhất, gồm các phần: Khởi động, Khám phá, Luyện tập, Vận dụng, Lời khuyên.

– Khởi động: Tạo tâm thế tích cực và không khí tươi vui cho các em chuẩn bị bài học mới.

– Khám phá: Hướng dẫn các em cùng nhau trải nghiệm các hoạt động để tự khám phá và lĩnh hội được bài học Đạo đức.

– Luyện tập: giúp các em luyện tập để phát triển kĩ năng thực hiện chuẩn mực đạo đức, thông qua các hình thức sinh động, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi.

– Vận dụng: Hướng dẫn các em vận dụng bài học vào thực tiễn cuộc sống thông qua một số hoạt động, việc làm cụ thể.

– Lời khuyên: Tóm tắt lại nội dung bài học, giúp các em dễ nhớ và dễ thực hiện.

  1. Thời lượng học tập

Môn Đạo đức 1 có tổng số tiết là 35, được thiết kế trong 35 tuần, mỗi tuần học 1 tiết. Số tiết dành cho kiểm tra, đánh giá là 2 tiết.

Ưu điểm của sách giáo khoa Cánh Diều môn Đạo đức 1

  1. Các bài học trong sách Đạo đức 1 được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

Các bài học trong sách được thiết kế không theo từng tiết mà theo từng nội dung. Mỗi bài học đều thiết kế theo cấu trúc thống nhất, gồm các phần:

– Khởi động: Gồm 1 – 2 hoạt động nhằm tìm hiểu những kiến thức, kinh nghiệm đã có của học sinh về bài Đạo đức sắp học và tạo tâm thế tích cực, thoải mái cho các em chuẩn bị tiếp thu bài mới thông qua các hình thức hoạt động như: hát, chơi trò chơi, chia sẻ trải nghiệm trong quá khứ.

– Khám phá: Gồm một số hoạt động nhằm giúp học sinh khám phá bài mới trên cơ sở những kinh nghiệm đã có, thông qua các hoạt động trải nghiệm như: quan sát tranh ảnh; kể chuyện theo tranh; thảo luận phân tích truyện, tình huống, trường hợp điển hình; chơi trò chơi;…

– Luyện tập: Gồm một số hoạt động nhằm giúp học sinh luyện tập để phát triển năng lực hành động theo các chuẩn mực vừa học, thông qua các hoạt động học tập hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi như: chơi trò chơi, xử lí tình huống, đóng vai, nhận xét hành vi, bày tỏ thái độ, tự liên hệ, thực hành theo mẫu,…

– Vận dụng: Nhằm hướng dẫn học sinh vận dụng thực hiện chuẩn mực đã học trong cuộc sống hằng ngày thông qua một số việc làm cụ thể; đồng thời hướng dẫn các em tự đánh giá thường xuyên việc thực hiện của bản thân một cách nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi.

– Lời khuyên: Cuối mỗi bài là lời khuyên, dưới hình thức một câu văn xuôi hoặc văn vần ngắn gọn, súc tích nhằm giúp học sinh dễ nhớ và thực hiện được nội dung bài học.

Học sinh thực hiện các hoạt động trong phần Khởi động, Khám phá, Luyện tập ở trên lớp theo sự tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô giáo. Còn các hoạt động trong phần Vận dụng thì học sinh thực hiện ngoài tiết học (ở nhà, ở trường và ở cộng đồng) với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo và những người có liên quan.

Với thiết kế như trên, các bài học trong sách giáo khoa Đạo đức 1 rõ ràng không nhằm cung cấp kiến thức có sẵn cho học sinh mà được thiết kế thành các hoạt động, để thông qua các hoạt động học tập đó, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên, học sinh được trải nghiệm để tự phát hiện, chiếm lĩnh các chuẩn mực, giá trị; có tình cảm, niềm tin, động cơ, kĩ năng và hành vi thực hiện theo các chuẩn mực, giá trị xã hội trong cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết mà chương trình hướng tới.

  1. Nội dung các bài học trong sách Đạo đức 1 tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập

Các bài học và các hoạt động học tập thiết kế trong sách được dựa trên cơ sở lí thuyết về dạy học tích cực, dạy học thông qua hoạt động của học sinh, dạy học trải nghiệm; được thể hiện thông qua những hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh lớp 1 như: hát, quan sát tranh ảnh; kể chuyện theo tranh; thảo luận phân tích truyện, tình huống, trường hợp điển hình; chơi trò chơi; xử lí tình huống; đóng vai; nhận xét hành vi; bày tỏ ý kiến/ thái độ; tự liên hệ; thực hành theo mẫu;… đã tạo cơ hội, điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; góp phần xoá bỏ cách dạy lí thuyết, nhồi nhét, áp đặt học sinh.

Đồng thời, với việc thực hiện các hoạt động học tập đa dạng, vui tươi, sinh động, phù hợp với lứa tuổi, đặc biệt là các hoạt động có tính mở như kể truyện theo tranh, xử lí tình huống, đóng vai, đoán xem điều gì có thể xảy ra;… trong sách, học sinh sẽ hứng thú, tích cực, chủ động và sáng tạo hơn trong học tập; làm cho giờ học Đạo đức trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, sôi động, hấp dẫn; giúp học sinh tiếp thu và thực hiện các chuẩn mực xã hội một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn và hiệu quả.

  1. Các bài học trong sách Đạo đức 1 tạo điều kiện cho học sinh tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào đời sống thực tiễn

Mỗi bài học Đạo đức đều chú trọng phần Luyện tập, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, sinh động, phù hợp lứa tuổi để giúp học sinh luyện tập nhằm phát triển ở các em kĩ năng nhận xét, đánh giá hành vi, kĩ năng lựa chọn và thực hành chuẩn mực trong các tình huống khác nhau.

Phần Vận dụng với những yêu cầu, việc làm cụ thể, phù hợp với chuẩn mực, giá trị, phù hợp với cuộc sống thực tiễn và lứa tuổi lớp 1 giúp học sinh ứng dụng những hiểu biết qua bài học vào trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày.

Các hình ảnh, câu chuyện, trường hợp điển hình, tình huống,… trong sách được chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống của học sinh, gần gũi, thân quen, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của lứa tuổi lớp 1, vì vậy tạo điều kiện giúp học sinh dễ dàng hơn trong việc thực hành và vận dụng bài học Đạo đức trong cuộc sống.

  1. Các chủ đề, bài học trong sách được biên soạn bám sát theo chương trình môn Đạo đức lớp 1

Trước hết, 8 chủ đề trong sách Đạo đức 1 chính là 8 chủ đề đã được quy định trong Chương trình Đạo đức thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông (đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kí ban hành ngày 26/12/2018).

Các chủ đề được sắp xếp theo thứ tự: (1) Thực hiện nội quy trường, lớp; (2) Sinh hoạt nền nếp; (3) Tự chăm sóc bản thân; (4) Tự giác làm việc của mình; (5) Yêu thương gia đình; (6) Quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình; (7) Thật thà; (8) Phòng, tránh tai nạn, thương tích. Sự sắp xếp thứ tự này dựa trên yêu cầu giáo dục thực tiễn của các nhà trường (như: đầu năm học, học sinh cần phải học nội quy, phải làm quen với một số nền nếp sinh hoạt,…) và để phù hợp với mối quan hệ giữa các chủ đề trong chương trình.

Các bài học trong mỗi chủ đề được thiết kế dựa theo yêu cầu cần đạt của chủ đề (được quy định của chương trình môn học); được sắp xếp phù hợp với yêu cầu giáo dục của nhà trường và đặc điểm, nhu cầu của học sinh lớp 1.

  1. Các bài học trong sách thể hiện rõ yêu cầu tích hợp và phân hoá

Các bài học trong sách Đạo đức 1 thể hiện rõ yêu cầu tích hợp với nhiều môn học khác như: với môn Mĩ thuật (thông qua các hoạt động quan sát tranh), với môn Âm nhạc (thông qua các hoạt động hát hoặc nghe băng, đĩa các bài hát có liên quan đến bài học, thông qua trò chơi Nghe giai điệu, đoán tên bài hát,…), với môn Tiếng Việt (thông qua các hoạt động kể chuyện theo tranh, thảo luận, bày tỏ ý kiến, tự liên hệ,…), với môn Giáo dục thể chất (thông qua các trò chơi vận động), với Hoạt động trải nghiệm và môn Tự nhiên và xã hội thông qua nội dung các bài học.

Đồng thời, sách Đạo đức 1 còn thể hiện được yêu cầu phân hoá theo trình độ của học sinh và phân hoá theo vùng miền.

  1. Các bài học trong sách thể hiện yêu cầu về đổi mới đánh giá

Kết hợp giữa đánh giá thường xuyên sau mỗi chủ đề, mỗi bài học với đánh giá định kì sau học kì I và cuối năm học.

Chú trọng việc tự đánh giá thường xuyên của học sinh sau mỗi chủ đề, mỗi bài học.

Kết hợp giữa đánh giá của giáo viên với đánh giá của học sinh và đánh giá của cha mẹ học sinh.

  1. Điểm mới về cách trình bày và hình thức sách giáo khoa

Sách Đạo đức 1 sử dụng ngôn ngữ giản dị, trong sáng; cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi, thân thiện với học sinh.

Font chữ và kiểu chữ đơn giản nhưng sang trọng, phổ biến, rõ ràng phân biệt với phần nội dung chính và các phần công cụ định hướng, phù hợp với học sinh lớp 1.

Để phù hợp với học sinh lớp 1, sách sử dụng kênh hình là chủ yếu. Kênh hình trong sách Đạo đức 1 rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn: Từ tranh ảnh để diễn tả nội dung các tình huống, các câu chuyện, cách tiến hành các trò chơi,…; đến hình vẽ, sơ đồ để minh hoạ nội dung, cách thức thực hiện các chuẩn mực, cách thức tự đánh giá,… Ngoài ra, sách còn sử dụng các logo con ong xinh xắn, dễ thương để tạo dấu ấn riêng cho các phần Khởi động, Khám phá, Luyện tập, Vận dụng, Lời khuyên ở mỗi bài học.

Sách được in 4 mầu, trình bày đẹp và hấp dẫn học sinh, tạo hứng thú học tập cho các em.

  1. Tự đánh giá

Sách Đạo đức 1 được biên soạn công phu, nghiêm túc, đáp ứng được các tiêu chuẩn của ách giáo khoa theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung sách đã thể hiện được tính khoa học, tính thời đại, tính thực tiễn Việt Nam,…; thể hiện đổi mới giáo dục phổ thông; đáp ứng yêu cầu hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.

 

Sách giáo khoa Đạo đứcBộ sách Cánh Diều lớp 1 được phát hành tại nhiều cơ sở khác nhau trên cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam.

Để biết thêm thông tin chi tiết về Bộ sách Cánh Diều, bạn đọc có thể truy cập địa chỉ website http://sachcanhdieu.com/ hoặc CTY CP ĐẦU TƯ XUẤT BẢN – THIẾT BỊ GIÁO DỤC VIỆT NAM (VEPIC) có địa chỉ tại tầng 1, tòa nhà Green Park, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội – Số điện thoại: (024) 3633 0316.

GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO KHOA CÁNH DIỀU MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI 1

24/03/2020

TIẾT LỘ VỀ BỘ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG ANH LỚP 1 EXPLORE OUR WORLD

24/03/2020